Những điều kiêng kỵ trong ngày Tết Nguyên Đán.
Tết Nguyên đán là nghi lễ quan trọng nhất trong đời sống văn hóa của
người Việt Nam. Người Việt tin rằng vào ngày Tết mọi thứ đều phải mới,
phải đổi khác, từ ngoại vật cho đến lòng người, vì vậy khoảng mươi ngày
trước Tết họ thường sơn, quét vôi nhà cửa lại. Họ cũng tất bật đi sắm
sửa quần áo mới để mặc trong dịp này, các cụ già thường đi coi tử vi
xem vận mệnh của gia đình trong năm tới có được gặp may mắn hay không?
Theo quan niệm của người Việt từ xưa đến nay, ngày đầu năm có nhiều điều
tốt đẹp thì cả năm sẽ có nhiều điều may mắn, vì vậy, người Việt có khá
nhiều quy tắc được đem áp dụng vào ngày Tết, trong đó có khá nhiều điều
kiêng kỵ:
Những kiêng kỵ trong ngày Tết Nguyên Đán nên tránh.
- Kiêng quét nhà trong 3 ngày Tết: Vì người Việt cho rằng nếu
quét nhà trong 3 ngày đầu năm mới thì Thần Tài sẽ…”đi mất,” tiền bạc sẽ
ra khỏi nhà, mang lại điềm xấu, không may mắn cho gia đình. Do đó, ngày
30 tết, dù bận rộn đến đâu mọi người cũng phải dọn dẹp nhà cửa, vườn
tược, bàn thờ sạch sẽ trước lúc giao thừa và những ngày Tết thì mọi
người phải hết sức giữ gìn nhà cửa không vứt rác bừa bãi.
Ở Nam bộ sau khi quét dọn phải cất hết chổi, nếu trong ngày Tết bị mất
chổi có nghĩa là năm đó nhà sẽ bị trộm vào vét sạch của cải. Ở nông thôn
ngày Tết, hiện nay còn có một số nhà vẫn giữ tục lệ rắc vôi bột ở bốn
góc vườn, rồi vẽ mũi tên hướng ra cổng để xua đuổi ma quỷ.
- Kiêng cho nước, cho lửa: Người ta rất kỵ người khác đến xin lửa
nhà mình. Vì quan niệm lửa là đỏ, là may mắn, cho người khác cái may
trong ngày Mùng Một Tết thì cả năm đó trong nhà sẽ gặp nhiều điều xui
rủi như làm ăn thua lỗ, trong nhà lủng củng, ra đường hay gặp tai vạ.
Ngoài ra, cũng kiêng cho nước đầu năm vì nước được ví như nguồn tài lộc,
nguồn công năng cho gia đình. Nếu cho nước thì sẽ bị mất “lộc”. Bởi
quan niệm này nên ngay từ những ngày cuối năm, dân gian luôn chủ động
đưa nước đầy ắp lu vại, lửa hồng trong bếp để tránh phải đi xin mấy ngày
đầu năm.
- Kiêng xuất hành: Theo phong tục xông đất, người đầu tiên bước
vào nhà ai trong ngày mùng một Tết chính là người quyết định đem lại sự
may mắn hoặc xui xẻo cho gia đình ấy trong cả năm.; do vậy người xông
đất là người được lựa chọn các tiêu chí sức khỏe tốt, tình tình hiếu
thuận, đặc biệt đang phát tài để xông đất. Nếu không phải đối tượng được
mời mà cứ tự nhiên đến vào thời điểm này sẽ không được tiếp đón niềm
nở. Cũng theo quan niệm này, ngày mồng 5 tháng giêng Âm lịch là ngày
nguyệt kỵ, (ngày con nước) theo cách lý giải đây là ngày nước xuống mọi
việc sẽ mất sự nâng đỡ, mất sức mạnh của phong thủy phù trợ không thích
hợp cho xuất hành.
- Không làm đổ vỡ đồ dùng: Người Việt rất kỵ làm vỡ bát đĩa, ấm
chén trong ngày đầu năm vì đổ vỡ tạo nên sự chia cắt, đứt lìa, là tín
hiệu không thuận lợi của các mối quan hệ. Tuy vậy, đôi khi, việc làm vỡ
bát đĩa vẫn xảy ra trong ngày Tết.
Khi đó, người ta lại có cách trấn an để người thân được yên lòng, khỏi
lấn bấn ngày đầu năm. Tiếng bát đĩa rơi vỡ có phần giống với tiếng
“phát”. Bát đĩa rơi vì thế được người ta “lạc quan hóa” thành tín hiệu
báo gia chủ sắp phát tài tới nơi.
- Kỵ mai táng: Ngày Tết Nguyên đán là ngày vui của toàn dân tộc,
ngày mở đầu cho vận hội hanh thông của cả một năm, có ý nghĩa rất thiêng
liêng. Gia đình phải tạm gác mối sầu riêng để hoà chung với niềm vui
toàn dân tộc.
Vì vậy có tục lệ cất khăn tang trong ba ngày Tết. Nhà nào có đại tang
kiêng đi chúc Tết, mừng tuổi bà con, xóm giềng, ngược lại bà con xóm
giềng lại cần đến chúc Tết và an ủi gia đình bất hạnh.
- Không vay mượn đầu năm: Ngày đầu năm, người Việt rất kiêng kỵ
việc vay mượn, kể cả cho vay hay đi vay, đòi nợ hay trả nợ, dù là tiền
bạc hay đồ vật. Đi vay đầu năm là điềm báo sẽ túng thiếu cả năm, cho vay
đầu năm sẽ khiến tiền bạc phân tán, đòi nợ đầu năm dễ gây mất hòa khí
và khiến người đi đòi cả năm sẽ mệt mỏi chạy theo con nợ, trả nợ đầu năm
chẳng khác gì đem lộc nhà ra khỏi nhà.
Xưa kia, các cụ ta có lệ, từ ngày 23 tháng Chạp dựng cây nêu đến hết
ngày mùng 7 tháng Giêng hạ cây nêu, những món nợ nần không được phép hỏi
đến để trong ngày Tết, ai ai cũng được yên vui hưởng Tết, làng xóm
không có chuyện to tiếng, cãi vã lúc năm hết Tết đến.
- Tránh nói giông: Ngày đầu năm, ta phải hết sức tránh những ngôn
ngữ, hành động có thể đem lại sự không may, còn gọi là nói giông hoặc
nói xui như: “Chết rồi!”, “Tiêu rồi!”.
Kênh thông tin giải trí sưu tầm